HỒN THƠ VÀ CẢM XÚC

 

HỒN THƠ VÀ CẢM XÚC



Một Chút Ví Von Cho Dễ Hiểu

Thể thơ:

 

Con mương (con kênh, dòng sông).


Ngôn ngữ thơ (chữ, câu) + kỹ thuật thơ ca:

 

Dòng nước chảy trong mương.

Tứ thơ:

 

Con thuyền được dòng nước đưa đi.


Hồn thơ:

 

Gió (xuôi), đẩy con thuyền tứ thơ đi nhanh hơn. Gió không được “sinh ra” từ dòng nước mà đến từ bên trên, bên ngoài dòng nước. Gió càng mạnh bài thơ càng có hồn.



Bài Thơ Không Hồn Có Cảm Xúc Hay Không?


Dù không có gió con thuyền tứ thơ vẫn trôi, và có thể cũng trôi tới bến. Nhưng người đọc sành điệu sẽ chê bài thơ không có hồn. Xin quý vị đừng hiểu lầm bài thơ không hồn là không có cảm xúc. Dù không hồn nhưng đã gọi là thơ thì ít nhiều cũng có cảm xúc.

 

Gặp trường hợp này, nếu tác giả yếu tay nghề, bài thơ sẽ khô khốc, đọc chán phèo. Nhưng nếu thi sĩ khéo tay, nhuần nhuyễn kỹ thuật thơ ca thì bài thơ cũng có chữ “đắt”, câu hay, hình ảnh đẹp, cộng với thế trận chữ nghĩa hợp lý, hiệu quả, cũng có thể khơi dậy một lượng cảm xúc đáng kể trong lòng người đọc.

 

Tuy nhiên, đó chỉ là cảm xúc từ ngôn ngữ thơ, từ kỹ thuật thơ, từ thế trận chữ nghĩa mà tôi gọi là cảm xúc nội tại của bài thơ. Nó khác xa với thứ cảm xúc có được từ hồn thơ. Hồn thơ tươi mát hơn, đằm thắm hơn, gây cảm giác sảng khoái hơn.

 

Cảm Xúc Trong Thơ

 

1/ Cảm Xúc Tầng 1:

Phát sinh khi người đọc gặp được ngôn ngữ, hình tượng đẹp, chắt lọc (bình dân hay cao sang), câu cú gọn gàng, không sai phạm, chuyển tải ý nghĩa sâu sắc.

2/ Cảm Xúc Tầng 2:

Phát sinh khi người đọc “bắt” được cái hay của sự nối kết các câu, các đọan một cách hợp lý làm nổi bật tứ thơ – nói chung là thế trận của bài thơ.

3/ Cảm Xúc Tầng 3:




Không đến từ câu chữ và cũng không đến từ thế trận.

Nó là luồng hơi nóng (ở giữa 2 hàng kẻ) len lỏi vào tâm hồn người đọc, tạo ra thứ cảm giác sướng nhất, đã nhất - không thể tiếp cận bằng lý trí mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn. Nó chính là hồn thơ.

Xin đừng lầm lẫn cảm xúc tầng 1 và tầng 2 với cảm xúc tầng 3
(hồn thơ). Dù bài thơ không có hồn cảm xúc tầng 1 và tầng 2 vẫn có – đôi khi còn rất mạnh.

Khi phát biểu “Bài thơ cảm xúc dạt dào” là người thưởng thức thơ muốn nói đến cảm xúc tầng 3 (hồn thơ) chứ không phải cảm xúc tầng 1 và tầng 2.

 

Hồn Thơ


Lấy Bóng Đá Mở Đường

 

Tôi đã xem những trận túc cầu mà tài nghệ của hai đội quá chênh lệch. Thật tẻ nhạt. Đội mạnh vờn đội yếu như mèo vờn chuột. Họ ghi một vài bàn thắng rồi vờn bóng giữa sân để dưỡng sức cho những trận sau.

 

Những trận đá giao hữu cũng thế. Huấn Luyện Viên đưa ra đội hình chỉ để thử nghiệm độ ăn ý, chỗ yếu, chỗ mạnh của đội mình. Thắng cũng tốt mà thua cũng không sao. Xem những trận như vậy chỉ phí thời gian và phí tiền mua vé.

Chỉ có những trận được ăn cả, ngã về không, thắng đi tiếp, bại “go home” là hấp dẫn. Lúc ấy cả 2 đội sẽ dồn hết thể lực, kỹ thuật và tinh thần vào trận đấu. Nếu đó lại là những trận bán kết, chung kết của những giải lớn quốc tế, khán giả cổ vũ cuồng nhiệt thì mọi người sẽ được thưởng thức một bữa “tiệc túc cầu” vô cùng ngoạn mục.

 

Vâng, đúng vậy! Khi các cầu thủ đồng loạt bừng lên, quên mình, chơi xuất thần, hoàn toàn ngẫu hứng, cái đẹp của túc cầu mới được đưa lên hàng nghệ thuật. Cái “chất nghệ thuật” đó không phát xuất từ kỹ thuật cá nhân, từ đấu pháp toàn đội mà từ cảm hứng trong trong tâm hồn của mỗi cầu thủ.

 

“Đội của bạn hôm nay đá hay quá” chỉ là một lời khen bình thường; “Đội của bạn hôm nay đá xuất thần, có hồn quá” mới làm huấn luyện viên, cầu thủ mát lòng, hả dạ.

 

Để Dẫn Đến Thơ


Hồn thơ cũng không đến từ câu chữ và kỹ thuật thơ ca trong bài thơ mà đến từ trạng thái rung động mãnh liệt của thi sĩ khiến Ngài như cuồng, như điên; cuồng điên vì quá vui, giận, yêu, ghét, đau thương, sung sướng, sợ hãi, cuồng điên vì tham ái trong lòng - tham đẹp, tham ngon, tham dâm … đã dâng cao đến đỉnh điểm.

Trong trạng thái phấn khích, cuồng nhiệt, hứng khởi đó, tác giả đưa vào, thổi vào bài thơ một luồng hơi nóng bỏng, một luồng cảm xúc đặc biệt, khác hẳn với thứ cảm xúc nội tại đến từ câu chữ, kỹ thuật thơ ca và thế trận chữ nghĩa.

 

Vâng, luồng hơi nóng bỏng ấy chính là hồn thơ. Người đọc không thể nắm bắt, nhận biết nó bằng lý trí mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn.

 

Đổi Cách Gọi Tên

 

Trước đây, khi bắt đầu loạt bài viết về đề tài này tôi dùng nhóm chữ “cảm xúc tầng 3” để chỉ thứ cảm xúc đặc biệt ở ngoài câu chữ như đã nói ở trên. Khi “cảm xúc tầng 3” lên đến đỉnh điểm, nghĩa là “cơn điên” của thi sĩ đã phủ mờ lý trí, thì đúng lúc ấy “cảm xúc tầng 3” mới được tặng danh hiệu Hồn Thơ.

 

Sau này đối diện với “thực tế trận địa” cách gọi tên ấy đã bộc lộ đôi chút khuyết điểm khiến độc giả hơi “khó bắt”. Và tôi đã đổi cách gọi tên như sau:

 

1/ Nếu cảm xúc nắm 100% quyền lèo lái bài thơ, lý trí bỏ trốn biệt tăm (chữ Xạo biến mất), ta có hồn thơ lai láng. Lời thơ là Tiếng Lòng Chân Thật của Thi sĩ. Độc giả đã may mắn được giao tiếp với Ngài bằng TIẾNG NGƯỜI (Viết Hoa). Bài thơ xứng đáng bước vào Bến Bờ Thi Ca.

 

Tùy theo mức độ lý trí còn sót lại trong lời thơ ta có các loại “hồn thơ” sau đây:

 

2/ Hồn thơ mạnh

 

3/ Hồn thơ khá mạnh

 

4/ Hồn thơ ở mức trung bình

 

5/ Hồn thơ phơn phớt nhẹ

 

6/ Mới chớm có hồn thơ nhưng không đáng kể

 

7/ Hoàn toàn không có hồn thơ.

 

Chọn ngôn ngữ (từ 2 đến 6) để nói đến cường độ của hồn thơ trong bài thơ hoàn toàn là Cảm Nhận Chủ Quan của người bình thơ và đọc thơ - chỉ có giá trị tương đối chứ không thể chính xác 100%.

 

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com

https://lythuyetthoabc.blogspot.com/

 

Trở Về Trang Chính:

https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2023/11/vai-net-ve-trang-blog-ly-thuyet-tho.html

 

 




Popular posts from this blog

GÓP Ý VỚI CUỘC ĐỐI THOẠI “THẾ NÀO THÌ GỌI LÀ THƠ?”

VÀI NÉT VỀ TRANG BLOG LÝ THUYẾT THƠ

TỰ THÚ