PHỎNG VẤN NHÀ THƠ PHẠM ĐỨC NHÌ VỀ BÌNH THƠ
PHỎNG
VẤN NHÀ THƠ PHẠM ĐỨC NHÌ VỀ BÌNH THƠ
Phan Võ Hoàng Nam:
Tôi là một người rất yêu thích thơ
và cũng đã in cho mình một tập nho nhỏ mươi bài để thỏa chút đam mê văn chương.
Mặc dù rất yêu thích, nhưng đối với Lý luận phê bình thì tôi chỉ là người ngoại
đạo và khả năng cảm thụ văn chương có hạn, nên tôi thường xuyên đọc các bài bình thơ hầu
mong có thêm hiểu biết.
Gần đây đọc được một số bài phê
bình thơ của anh Phạm Đức Nhì tôi thật sự rất ấn tượng với lối bình thơ vừa mới
lạ vừa sâu sắc của anh. Trung thực, khách quan nhận xét với sự sắc sảo trong cảm
nhận nghệ thuật và những phân tích chi tiết với vốn kiến thức phong phú của
mình là điều tôi rất thích trong những bài viết của anh.
Cơ duyên, tôi và anh đã có những
buổi trò chuyện văn chương qua video call thật thú vị (chủ yếu là tôi nghe nhiều
hơn nói). Nhằm để tìm hiểu một cách đàng hoàng hơn về Lý luận phê bình của anh,
tôi có đề nghị anh chia sẻ những nghĩ suy của anh xoay quanh vấn đề mình quan
tâm. Được anh vui vẻ đồng ý nên tôi đã mạnh dạn gửi đến anh một số câu hỏi. Xin
giới thiệu đến bạn bè gần xa cùng yêu thích văn thơ.
Vài lời phi lộ của Phạm Đức Nhì:
Phan Võ Hoàng Nam (tên thật là Nguyễn Hoàng
Nam) là một nghệ sĩ đa tài. Anh làm thơ, viết nhạc, ca hát và còn làm tranh đá
(Bảy Núi). Có lẽ có cảm tình với cách bình thơ của tôi nên anh đã liên lạc và mời
tôi tham dự một cuộc “phỏng vấn”. Người ở Mỹ, kẻ ở Việt Nam, việc hỏi đáp “mặt
đối mặt” cũng có đôi điều bất tiên nên anh đề nghị sẽ gởi cho tôi một số câu hỏi
về Bình Thơ để tôi tùy tiện trả lời. Thấy anh rất tha thiết với mảng đề tài mà
tôi tâm huyết nên tôi đồng ý.
Đầu tiên anh gởi 6 câu hỏi. Sau khi nhận được
bản trả lời của tôi, ngay dưới câu trả lời đầu tiên, anh đặt thêm 2 câu hỏi
“phát sinh” (follow up) - tổng cộng là 8 câu hỏi.
Sau đây là nội dung cuộc “phỏng vấn”:
Phan
Võ Hoàng Nam:
Thưa anh, sau một thời gian dài làm
thơ và bình thơ, anh có thể cho độc giả biết về vai trò của nguời bình thơ
trong sự phát triển thơ ca.
Phạm Đức Nhì:
Theo tôi, người bình thơ có 3 nhiệm vụ chính:
1/ Chỉ ra những vụng về, bất cập của thi sĩ
trong bài thơ.
Sau khi đọc bài viết Cảm Xúc Trong Thơ của
tôi, chị Vân Anh - một bạn Facebook – đã viết một bình luận gồm 2 đoạn như sau:
Không là dòng chảy trong
mương
Không là sóng cả đại dương
thăng trầm
Người – êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về.
Cám ơn anh Nhì Phạm.
Bài viết của anh thật thú
vị. Em cũng từng nguệch ngoạc đôi dòng nhưng vẫn chưa thấy dáng dấp thơ trong
đó. Đọc bài viết của anh và ngộ ra khá nhiều lỗ hổng trong những dòng nguệch
ngoạc của mình.
Hai câu cuối của đoạn thơ, được in
đậm, chính là nhiệm vụ đầu tiên của người bình thơ - chỉ ra những vụng về, bất
cập của thi sĩ trong bài thơ.
Rồi chỉ khoảng vài tiếng sau chị Vân Anh lại
cho ra đời bài thơ Nhân Tình Của Những Áng Văn Xanh trong đó có 4 câu nói đến
hai nhiệm vụ khác nữa của người bình thơ.
2/ Chỉ ra những điểm hay, đẹp, mới lạ của bài
thơ:
Anh trải rộng
những cánh đồng mướt xanh
em ngửa mặt hít hà hương lúa mới
3/ Chỉ ra hướng đi và điểm đến
cho Thi Sĩ
Anh tuôn chảy dòng sông diệu vợi
thuyền em trôi thênh thang
Xin phép được dừng một tý để cám
ơn cô giáo Vân Anh. Mới đọc có vài bài viết mà cô giáo đã thấy hết gan ruột của
tác giả. Mà lại còn diễn đạt cái “thấy” của mình bằng thơ mới đáng nể chứ. Tôi
đã ngả mũ bái phục cô giáo rồi đấy.
Phan Võ Hoàng Nam:
“Người êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng
năm vụng về”
có vẻ như là một nhiệm vụ quan trọng
của người bình thơ. Nhưng sao tôi thấy có một số nhà bình thơ “chỉ khen không
chê”. Anh nghĩ sao về cách bình thơ theo “trường phái” này?
Phạm Đức Nhì:
Khi bình thơ thì chê khó hơn khen.
Hạ bút chê một câu thơ, một ý thơ hay chỉ một chữ trong bài thơ, nhà bình thơ
phải có kiến thức rộng và nội lực sung mãn, đủ khả năng phản biện khi có ý kiến
trái chiều.
Khen nếu lỡ hơi “nặng tay” một
chút thì tác giả bài thơ dĩ nhiên sẽ không lên tiếng, còn độc giả cũng dễ “cho
qua”, ít người “làm ầm ĩ”.
Nhưng nếu chê không đúng thì nhà
bình thơ sẽ lãnh đủ. Thi sĩ bị chê sẽ không dễ gì im lặng, bạn bè cuả anh (chị)
ta hoặc độc giả khác thấy chuyện bất bình cũng có khi nhảy vào “nói mấy lời
công đạo”. Chỉ cần một đôi lần như thế uy tín của nhà bình thơ sẽ xuống thấp. Bởi
thế, một số nhà bình thơ đã chọn cách “chỉ khen không chê” để “an toàn trên xa
lộ”.
Bình thơ “chỉ khen không chê” có mấy
cái hại:
1/ Tác giả bài thơ không biết điểm
sai, điểm yếu của mình để sửa chữa, tránh đi vào vết xe đổ hầu có sự tiến bộ
trong tương lai.
2/ Thơ hay thơ dở đánh lộn sòng,
làm nhiễu loạn khả năng thưởng thức thơ của độc giả.
3/ Sinh ra thói nịnh nhau, bốc
thơm nhau. Tệ hơn nữa, còn có “nghề khen thơ” – như trong bài viết cùng tên của
Nông Hồng Diệu trên báo Tiền Phong. Đàng sau những bài bình thơ “chỉ khen không
chê” đôi khi còn ẩn hiện bóng dáng chiếc phong bì.
Phan Võ Hoàng Nam:
Trở lại 3 nhiệm vụ của nhà bình thơ.
Xin anh Phạm Đức Nhì cho biết Điểm Đến của thơ là chỗ nào ạ?
Phạm Đức Nhì:
Cái này hơi dài đấy. Nhưng tôi sẽ
cố gắng tóm tắt cho thật gọn.
Để có thể thích ứng và hội nhập với cuộc sống hàng ngày của cộng đồng,
mỗi con người đương đại phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử
trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều.
Sau khi vào đời một thời gian (dài
ngắn tùy hoàn cảnh riêng) trong mỗi thân xác con người có 2 cái tôi cùng chung
sống nhưng luôn đấu đá lẫn nhau để đòi quyền làm chủ thân xác đó: Cái
tôi đích thực và cái tôi hội nhập với cuộc đời – tôi tạm gọi là “cái
tôi văn hóa”.
Tuổi đời càng cao cái tôi văn hóa
càng mạnh, càng rõ nét và cái tôi đích thực càng yếu kém, mờ nhạt. Đến một lúc
nào đó cái tôi văn hóa sẽ “đè bẹp” cái tôi đích thực để độc quyền chiếm hữu cái
thân xác kia. Lúc ấy, nói như Jean Paul Sartre thì con người là một “kẻ vong
thân” (đánh mất chính mình). Còn nói như Albert Camus thì con người đích thực
đã bất lực - để một “kẻ xa lạ” đến chiếm hữu thân xác mình.
Thi sĩ làm thơ trong lúc tỉnh táo
quá thì những điều viết ra sẽ được cân nhắc, suy hơn, tính thiệt kỹ càng. Đó sẽ
là những vần thơ phải đạo được “đạo diễn” bởi “cỗ máy biết suy
nghĩ” - “cái tôi văn hóa”. Nếu thi sĩ có kỹ thuật thơ cao cường – ngôn từ
trong sáng, thế trận chữ nghĩa chặt chẽ, hiệu quả - thì thơ vẫn có cảm xúc, vẫn
có thể “hay” nhưng lời thơ chưa hoàn toàn chân thật.
Khi thi sĩ thật cao hứng, lên cơn
điên vì yêu, hận (giận), vui sướng, buồn bã, ghen ghét, ham muốn … cảm xúc sẽ
sôi lên phủ mờ lý trí, “cái tôi đích thực” sẽ vùng dậy đẩy “cái tôi văn hóa”
vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ. Thi phẩm viết ra trong tâm cảnh ấy
sẽ chẳng màng đến chính kiến, lập trường, truyền thống, đạo đức, lễ giáo, thước
đo giá trị của người đời … mà chỉ là những gì tuôn trào ra ngòi bút bởi “cơn
điên” của thi sĩ đang sôi sục trong lòng.
Lúc ấy kỹ thuật thơ vẫn mang dáng
dấp đẳng cấp của thi sĩ nhưng lời thơ – không còn bị chi phối bởi cái tôi văn
hóa - sẽ là tâm tình chân thật của “cái tôi đích thực”. Nếu thi sĩ chọn được thể
thơ thích hợp, tứ thơ sẽ chảy thành dòng, cảm xúc ở tầng 3 sẽ lớn mạnh, bài thơ
sẽ có hồn. thông điệp của thi sĩ sẽ đi vào lòng độc giả một cách dễ dàng.
Bài thơ đã cho độc giả cái vinh dự
được giao tiếp với thi sĩ bằng Tiếng Người Chân Thật, đã xứng đáng bước vào Bến
Bờ Thi Ca.
Phan Võ Hoàng Nam:
Nói đến cảm xúc thì theo anh, làm
thơ để bộc lộ cảm xúc hay để khơi gợi cảm xúc? Nói rõ hơn là làm thơ để bộc lộ
cảm xúc của mình hay khơi gợi cảm xúc của độc giả?
Phạm Đức Nhì:
Làm thơ để khơi gợi cảm xúc (của độc giả) chẳng khác gì những
người khóc mướn ở đám ma. Họ chẳng dây mơ rễ má gì với người chết nhưng cũng cố
khóc cho có vần có điệu, cho thật mùi mẫn, thật thảm thiết, để làm vừa lòng chủ
nhà hầu được trả tiền công hậu hĩnh. Những tiếng khóc của họ là giả tạo, không
thật lòng tý nào.
Trong ca khúc Nửa Hồn Thương
Đau, ở đoạn cuối nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã viết:
“Đôi khi tôi muốn tin … Đôi khi
tôi muốn tin … những người, ôi những người khóc lẻ loi một mình.” - vì khóc lẻ
loi một mình, không ai thấy, không ai nghe thường là tiếng khóc của người có nỗi
đau buồn chân thật.
Tôi viết thêm:
“Bởi đàng sau những giọt nước mắt
giữa đám đông thường ẩn hiện bóng hình loài cá sấu.”
Cho nên, là thi sĩ, khi làm thơ
thì “trên trang thơ của mình tôi chỉ trung thành với nhịp đập của chính trái
tim tôi” và coi độc giả như cỏ rác.
Còn khi bình thơ thì những câu nịnh,
giả dối đều bị tôi nhìn với đôi mắt thiếu thiện cảm.
Phan Võ Hoàng Nam:
Thưa anh, theo suy nghĩ cuả riêng
tôi, kể từ Hoài Thanh, Hoài Chân đến nay lý luận phê bình thơ Việt Nam vẫn chủ
yếu thiên về cảm nhận nội dung, tứ thơ … mà chưa chú trọng đúng mức phần kỹ thuật
(Thi Pháp). Vậy theo anh thì Thi Pháp có đóng góp gì cho giá trị nghệ thuật của
bài thơ hay không?
Phạm Đức Nhì:
“Thi pháp (poetics) là
phương pháp, quy tắc làm thơ - sử dụng vần, nhịp điệu (và các phương tiện thẩm
mỹ khác của thơ) nối kết các con chữ thành một thế trận để chuyển tải thông điệp
và cảm xúc của thi sĩ đến độc giả.”
Với thơ, cảm xúc gần như là tất cả,
thông điệp chỉ là thứ yếu. Dĩ nhiên, tứ thơ hay, ngôn từ trau chuốt, hình tượng
đẹp cũng góp phần nâng giá trị của bài thơ nhưng chính
cảm xúc mới có thể đưa bài thơ lên “đài danh vọng”, mới giúp bài thơ chiếm một
vị trí trang trọng trong lòng độc giả, mới tạo nên sự cách biệt giữa một tuyệt
tác thi ca với những bài thơ làng nhàng.
Muốn “đo” khối lượng cảm xúc của một
bài thơ nhà phê bình trước hết phải “cảm đoán” xem thi sĩ viết bài thơ với tâm
thế nào. Nếu ngài “trút bầu tâm sự” lên trang giấy thì bài thơ dễ có nhiều cảm
xúc và có cơ hội đạt danh hiệu cao quý: “Bài Thơ Có Hồn”. Đến đây nhà phê bình
phải dùng chiêu thi pháp để tìm kết quả. Vần, nhịp điệu và các phương tiên thẩm
mỹ khác sẽ được đưa lên bàn mổ để xem có nối kết các con chữ thành một thế trận
hoàn hảo và có tạo được cao trào không?
Bởi vậy nếu không bàn thi pháp thì
sẽ rất khó nhận biết cảm xúc tầng 3 - thứ cảm xúc cao cấp đến từ trạng thái cao
hứng của thi sĩ – và đỉnh điểm của nó là hồn thơ. Không làm được điều đó, theo
tôi, bài bình thơ thất bại.
Bình thơ không bàn thi pháp chắc
chắn sẽ dẫn đến bất công. Người bình chỉ chú ý đến ý tứ, còn kỹ thuật thơ thì
“ngoảnh mặt làm ngơ”. Tác giả bài thơ đã có “tay nghề” cao hay vẫn còn lẹt đẹt ở
phía sau cũng đều được đánh giá giống nhau, cá mè một lứa.
Người may mắn có được những bước
chân khai phá đi đúng hướng bến bờ thi ca thì vì mang tâm trạng nửa tin, nửa ngờ,
không có người biết chuyện chia sẻ, thông cảm, khuyến khích nên vẫn cứ ngập ngừng,
vừa bước vừa run; nếu bất ngờ đụng phải một trở ngại nhỏ cũng dễ dàng bỏ cuộc.
Người vẫn còn lẹt đẹt - nhưng lại không biết mình ở phía sau - vẫn cứ tiếp tục
đi, lắm lúc còn ưỡn ngực tự hào dù thực sự đang quanh đi quẩn lại, bì bõm trong
vũng sình lầy lội.
Thưa tất cả những nhà phê bình
thuộc trường phái Bình Thơ Không Bàn Thi Pháp,
Với lối bình thơ ấy quý vị đã đối
xử với bài thơ như một đoạn văn không hơn, không kém. Tâm của quý vị có thể
chính trực nhưng lời bình của quý vị lại thiên vị, bất công, thơ hay thơ dở
đánh lộn sòng.
Bao nhiêu những tố chất để làm
nên “tính thơ” quý vị đều phớt lờ. Quý vị đã cầm dao đâm chết bài thơ trước khi
viết lời bình. Những phân tích, bàn tán hoa mỹ của quý vị chỉ là những cánh hoa
phủ lên một “cái xác không hồn”, một bài thơ không có “tính thơ”.
Xin những người yêu thơ hãy cùng
tôi lên tiếng để cứu thơ. Nếu không, một ngày nào đó thơ – cái thứ thơ mà chúng
ta trân trọng yêu quý - sẽ không còn nữa.
Nguyễn Hoàng Nam:
Trong một số bài phê bình, nhận xét
về thơ của anh được phổ biến trên mạng Internet, anh đã sử dụng rất nhiều tiêu
chí về mặt kỹ thuật để đánh giá một bài thơ (có khi lên đến 22 tiêu chí như bài
“Nét Đẹp Của Bài Thơ “Đợi” – Vũ Quần Phương – Qua Lăng Kính Kỹ Thuật”). Thưa
anh cách đánh giá đó có phải là thẩm
mỹ văn học phương Tây chủ yếu thiên về lý
tính, và khi áp đặt cách nhìn ấy vào những bài thơ thiên về cảm xúc của mỹ cảm phương Đông liệu
có tạo nên sự khập khiễng trong phương pháp không ạ?
Phạm Đức Nhì:
Đại đa số những bài bình thơ Việt
- kể cả của những nhà bình thơ nổi tiếng – đã chỉ bình tán ý tứ và phớt lờ phần
thi pháp. Điều này làm tôi rất lo ngại. Bình như thế người thưởng thức thơ khó
thấy được giá trị nghệ thuật đích thực của bài thơ.
Tôi đã viết hai bài để thử nghiệm:
1/ Nhận Xét Lan Man Về Bài Thơ
“Hoa Tím” Của Dư Bình.
2/ Nét Đẹp Của Bài Thơ “Đợi” Của
Vũ Quần Phương Qua Lăng Kính Kỹ Thuật.
Đây không phải là những bài bình
thơ mà chỉ là liệt kê những tiêu chí để thẩm định giá trị của bài thơ và những
nhận xét vắn tắt về mức độ thành công của tác giả trong mỗi tiêu chí. Độc giả đọc
cả bài nhận xét sẽ thấy “nét đẹp” (hay không đẹp, chưa đẹp) của bài thơ về
mặt kỹ thuật.
Tôi gọi “bảng liệt kê” đó là “bộ
thước” gồm 22 “cây thước” (hoặc nhiều hơn nữa) có tính gợi ý, để nếu thấy “cây
thước” nào hợp thì lấy ra phân tích, bàn tán khi bình một bài thơ. Có bộ thước
trong túi, khi bình thơ sẽ không sợ quên, không sợ thiếu sót. Tôi học được lối
bình thơ “bài bản” này từ người Mỹ.
Tuy nhiên, tôi chỉ học cái “cách bình thơ bài bản” của
họ, còn bộ thước và nôi dung của mỗi cây thước một phần đã có sẵn trong văn
chương Việt, phần còn lại do tôi đặt ra.
Khi bình thơ tôi sẽ chọn một số
cây thước thích hợp với bài thơ, sắp xếp lại theo một trình tự hợp lý rồi khai
triển rộng ra. Như một số bạn đọc nhận xét “Nó là cái sườn để mình dựng một bài
bình thơ bài bản, đầy đủ và chi tiết”. "Mỹ cảm phương Đông”, đặc biệt là
cái “hồn Việt” không mất đi tý nào.
Bạn Phan Võ Hoàng Nam thấy đó -
chẳng có gi là “khập khiễng” hết
Phan
Võ Hoàng Nam:
Trong những năm qua, những bài bình
thơ của anh được các nhà thơ, nhà phê bình và độc giả đánh giá cao. Nhiều người
nhận xét cách bình thơ của anh “lạ lùng”, “rất mới”, “anh có thế giới riêng cho
mình” …
Anh có thể chia sẻ cái “lạ lùng”, “rất
mới”, “thế giới riêng cho mình”… trong các bài bình thơ của anh được không ạ?
Phạm Đức Nhì:
Cái mới lạ trong cách bình thơ của
tôi nằm trong hai chữ “Thi Pháp”. Ngoài việc giải thích, bình tán tứ thơ như những
nhà bình thơ khác, tôi đã mạnh dạn đưa những “phương tiện thẩm mỹ” khác của thi
pháp vào bài bình thơ, xem việc sử dụng (hoặc không sử dụng) những “phương tiện
thẩm mỹ” ấy ảnh hưởng ra sao đến giá trị nghệ thuật của bài thơ.
Xin phép được trích dẫn nhận xét của nhà thơ Đậu
Thị Thương, giáo viên môn văn ở Hà Tĩnh:
“Cách thẩm bình của anh luôn thú vị và
hấp dẫn, vừa rất cổ điển vừa tự do phóng khoáng. Bình thơ như anh hiện không
có. Người ta, nếu ở góc thi pháp mà bình thì nặng nề, nếu ở góc ấn tượng thì
lan man. Anh đọc thơ ở cả hai góc ấy nhưng uyển chuyển và sắc nét. Anh chơi thơ
với đôi mắt xanh say đắm và lạ.
Mong đọc nhiều hơn các bài của anh”.
Tôi cũng xin được nói lời cảm ơn đến nữ sĩ Đậu
Thị Thương. Chị đã bỏ công đọc, đã thấy và đưa ra nhận xét vừa đúng lại vừa
hay. Thật quý hóa có một bạn thơ hiểu mình đến như vậy.
Phan Võ Hoàng Nam:
Anh cho rằng “Tứ thơ hay, câu từ
trau chuốt, bóng bẩy đều ít nhiều giúp nâng giá trị nghệ thuật của bài
thơ, nhưng chính cảm xúc mới có thể đưa bài thơ lên “đài danh vọng”
Vậy theo anh, thế nào là một bài thơ
có nhiều cảm xúc?”
Phạm Đức Nhì:
Đã được gọi là thơ thì ít nhiều cũng có cảm
xúc. Như tôi đã “liệt kê” trong bộ thước mẫu ở trên, có 3 tầng cảm xúc:
1/ Cảm xúc tầng 1:
Phát sinh từ câu chữ, hình tượng, các biện pháp tu từ.
2/ Cảm xúc tầng 2:
Phát sinh từ thế trận hợp lý của bài thơ.
3/ Cảm xúc tầng 3:
Không phát sinh từ câu chữ, thế trận mà từ trạng thái cao hứng của thi sĩ; nói
văn vẻ một chút, nó phát sinh từ “giữa 2 hàng kẻ” – nghĩa là ở ngoài câu chữ.
Cảm xúc tầng
1 và tầng 2 có thể tìm hiểu, học hỏi để nhận biết bằng lý trí. Riêng cảm xúc tầng
3 chỉ có thể “cảm” được bằng tâm hồn. Trong bộ thước mẫu có 7 cây thước
tôi gọi là Cái Nền Kỹ
Thuật của bài
thơ. Bảy cây thước này sẽ giúp người thưởng thức thơ đến gần với cảm xúc tầng 3
hơn.
BẢY CÂY THƯỚC CỦA CÁI NỀN KỸ THUẬT
1/ Thể Thơ:
Nếu thể thơ phân mảnh đứt đoạn,
khi ngừng nghỉ để chuyển đoạn lý trí sẽ tái xuất hiện, cảm xúc sẽ teo tóp,
không có cơ hội lớn mạnh.
Nếu thể thơ nhất khí liền mạch:
Có dòng chảy của tứ thơ – chưa chắc chắn nhưng có cơ hội, có hy vọng sẽ tiến
xa.
2/ Độ Dài Của Bài Thơ:
Bài thơ ngắn (4 câu hoặc ít
hơn): Cảm xúc chưa đủ lớn mạnh thì bài thơ đã hết.
Bài thơ đủ dài để có “sóng sau dồn
sóng trước”: Có thêm hy vọng.
3/ Chức Năng Truyền Thông:
Dễ hiểu, dễ tiêu để không có mô
gò cản đường: Giúp dòng chảy thông thoáng.
4/ Vần Và Dòng Âm Điệu:
Vần vừa ngọt để dòng âm điệu hỗ
trợ (làm trơn) dòng chảy của tứ thơ. Đừng quá ngọt để tránh hội chúng nhàm chán
vần; Đừng thiếu ngọt, tứ thơ sẽ “không chảy” - tạo cơ hội cho lý trí xuất hiện.
5/ Nhịp Điệu:
Thay đổi số chữ trong câu để
dòng chảy uyển chuyển, phóng khoáng, tránh nhịp điệu đều đều tẻ nhạt, nhàm
chán.
6/ Phong Thái Của Thi Sĩ Lúc Làm Thơ:
Ung dung, thoải mái – không tự
nguyện tuân thủ những luật lệ gò bó trói buộc có tính “thói quen”, truyền thống;
lý trí không có lý do để xía vào.
7/ Dòng Cảm Xúc
Cảm xúc tầng 3 (nếu có) sẽ nhập
vào dòng tứ thơ, dòng âm điệu và nhịp điệu để thành dòng cảm xúc. Nếu tứ thơ có
dòng chảy xiết, thi sĩ cao hứng hoặc nổi điên, dễ tạo được cao trào và Hồn Thơ.
TÓM LẠI:
Nếu qua được 2 tiếu chí đầu
tiên, tùy mức độ thành công của 5 tiêu chí còn lại, cảm xúc tấng 3 sẽ ở vào những
thứ hạng sau đây:
1/ Thi sĩ tỉnh táo, lý trí nắm
quyền đạo diễn: Không có cảm xúc tầng 3, không có hồn thơ.
2/ Thi sĩ có hứng: Có cảm xúc tầng
3 nhưng lý trí vẫn còn mạnh - hồn thơ mới phơn phớt nhẹ.
3/ Thi sĩ cao hứng: Cảm xúc tầng
3 lớn mạnh, lý trí vẫn còn nhưng yếu - hồn thơ đã rõ nét.
4/ Thi sĩ nổi điên: Cảm xúc tầng
3 đầy ắp, ngập tràn, lý trí trốn biệt - hồn thơ lai láng.
Dĩ nhiên, đây
chỉ là những gợi ý. Bỏ thêm công phân tích, bình tán, nêm nếm mắm muối hành
tiêu tỏi ớt bạn sẽ có một bài bình thơ “ngon miệng”.
Phan Võ Hoàng Nam:
Rất cảm ơn
anh Phạm Đức Nhì đã dành thời gian để có những chia sẻ hết sức nghiêm túc và
thú vị. Tin rằng những người làm thơ và quan tâm đến thơ sẽ tìm thấy trong những
câu trả lời của anh những điều bổ ích.
Chúc anh luôn
dồi dào sức khoẻ và nhiều niềm vui để ngày càng có nhiều bài viết hay, có giá
trị học thuật.
Trân trọng
chào anh!
https://lythuyetthoabc.blogspot.com/
https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2023/11/vai-net-ve-trang-blog-ly-thuyet-tho.html