THĂM LẠI BÀI THƠ “SAY ĐI EM”

 


              THĂM LẠI BÀI THƠ “SAY ĐI EM”

 

 

Lời Nói Đầu:

 

Nhiều năm trước tôi đã viết lời bình cho bài thơ đặc biệt này với tựa đề Say Đi Em - Một Bài Thơ “Tới Bến”. Đó là kiểu bình thơ “bài bản, trường lớp” - tiếp cận, phân tích toàn diện bài thơ – như một bài Luận Văn (Essay) ở bậc đại học.

 

Lần này, nhân dịp mở trang Blog Lý Thuyết Thơ tôi “Thăm Lại Bài Thơ” để nhấn mạnh vài “phương tiện thẩm mỹ” mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã sử dụng một cách điệu nghệ để đưa bài thơ lên đỉnh cao chót vót của nghệ thuật thi ca.

 

Những “phương tiện thẩm mỹ” đó là:

 

1/ Bố cục dàn ý hợp lý

2/ Nối kết các ý khi chuyển đoạn khéo léo.

3/ Sử dụng vần điệu nghệ - vị ngọt rất đậm nhưng không ngán

4/ Nhịp điệu sống động

5/ Dòng tứ thơ, dòng âm điệu, dòng cảm xúc – 3 dòng nhập một, chảy rất mạnh.

6/ Đoạn kết tuyệt vời

7/ Tạo được cao trào và kết thúc ở cao trào/ hồn thơ lênh láng

 

 

 

SAY ĐI EM

Tác giả: Vũ Hoàng Chương.

 

1/

 

Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương
Đầu xanh lận đận, cùng nhớ thương, càng xót thương

 

Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo?
Hồn ngả lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn hết yêu thương
Bước chân còn nhịp Nghê Thường lẳng lơ

 

2/

 

Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng
Hàng chân lả lướt

Đê mê hồn gửi cánh tay hờ

 

Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần
Bốn tường nghiêng điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta
Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa
Tay mềm mại bước còn chưa chuếnh choáng
Chưa cuối xứ Mê Ly chưa cùng trời Phóng Đãng
Còn chưa say hồn khát vẫn thèm men

 

3/

 

Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt!
Rượu, rượu nữa! Và quên, quên hết!
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời

 

4/

 

Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!

(Vũ Hoàng Chương)

 

 

Thành Sầu Của Vũ Hoàng Chương

 

VHC ngoài việc bắt buộc phải theo Tây học để tiến thân, còn cắn phải miếng mồi “ru ngủ” của người Pháp. Ông cũng lao vào những thú vui trác táng – rượu, thuốc phiện, nhảy đầm và cả gái nữa. Về điểm này, Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã có một đoạn khá đầy đủ:

 

Người say đủ thứ: Say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn “hơn” cổ nhân những thứ say mới nhập cảng: Say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: Say thơ. (3)

 

Như vậy, “thành sầu” của VHC là nỗi sầu đất nước bị ngoại bang đô hộ, dân tộc bị chúng làm tha hóa, băng hoại bằng đủ mọi âm mưu thâm độc.

 

Trớ trêu thay, chính ông lại góp tay, giúp sức cho bộ máy cai trị ấy, chính ông lại lậm vào những cuộc chơi trác táng do chúng đặt ra, không những tự làm hỏng mình mà còn làm gương xấu cho lớp trẻ, rường cột của tương lai dân tộc.

 

Ông cảm thấy tội lỗi, tủi nhục, uất ức và chất ngất buồn sầu.

 

Tứ Thơ

 

Trong một đêm đi nhảy ở vũ trường, gặp “bạn nhảy cũ”, tác giả mời nàng đối ẩm, có ý muốn mượn rượu để giải sầu, nhưng uống đến mức “say không còn biết chi đời” mà nỗi sầu vẫn sừng sững như một bức tường thành, không sụp đổ.

 

Bố Cục Dàn Ý

 

Bài thơ có thể chia làm 4 đoạn:

 

1/ Đoạn mở đầu 10 câu, thiết lập khung cảnh của bài thơ: Đến vũ trường, gặp người tình cũ đang là ca ve ở đấy. Tình đã héo nhưng chân còn “ngứa ngáy” nên xáp lại.

 

2/ Đoạn hai 16 câu: Cảm giác “Đê mê hồn gửi cánh tay hờ” khi đang dìu em trên sàn nhảy lúc rượu đã ngà ngà.

 

3/ Đoạn ba 13 câu: Mời em cùng uống cho đến khi “say không còn biết chi đời”.

 

4/ Đoạn kết 5 câu: Nỗi sầu vẫn còn đó – sừng sững như một bức tường thành, không sụp đổ.

 

Vần Và Dòng Chảy Của Tứ Thơ

 

Về hình thức, tác giả sử dụng thể Thơ Mới, nhưng không phải lối thơ Trường Thiên (mỗi đoạn 4 câu) mà là thể thơ nhất khí liền mạch – một hơi từ câu đầu đến câu cuối. Nhưng cũng không phải như Nhớ Rừng của Thế Lữ – cứ 8 chữ một câu với vần liên tiếp, đọc lên nghe rất ngán.

 

Có thể tạm gọi đây là một loại Thơ Mới Biến Thể, rất gần với Thơ Tự Do.

 

“Say Đi Em” rất phóng khoáng. Có đôi chỗ ngừng là do tác giả muốn chuyển ý, đổi vần chứ không phải do đòi hỏi của luật thơ. Ông cũng tạo ra một số thay đổi, vừa tránh được trói buộc của luật tắc, vừa có thể nhấn mạnh điểm chính của tứ thơ.

 

1/ Số câu trong bài không giới hạn, viết hết ý, hết hứng thì thôi.

 

2/ Số chữ trong câu thay đổi (với biên độ rộng) một cách tùy tiện, tùy hứng. Câu ngắn nhất 3 chữ (Chân rã rời), câu dài nhất 13 chữ (Hoa xưa tươi, trăng xưa đẹp, gối xưa kề, tình nay sao héo). Nhờ thế, nhịp điệu thơ thay đổi liên tục.

 

3/ Vần rất đậm, nhưng không có hội chứng nhàm chán vần, đọc lên không thấy ngán. Câu sau nối tiếp câu trước, tứ thơ và cảm xúc cứ thế tuôn chảy thành dòng. Lý do: Nhịp điệu thay đổi cộng với sự giúp sức của mấy đoạn gieo vần gián cách:

 

Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng
Hàng chân lả lướt

Đê mê hồn gửi cánh tay hờ

 

Và:


Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời

 

Thêm vào đó, để thay đổi không khí, còn có hai câu thơ lục bát mượt mà ở đoạn đầu:

 

Lòng nghiêng tràn hết yêu thương

Bước chân còn nhịp Nghê Thường lẳng lơ

 

và sự phối hợp một cách tài tình điệp ngữ, điệp vận với vần ôm ở đoạn kết.

 

Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!

 

 Ở thời điểm trước năm 1940 mà đã sử dụng vần phóng khoáng và điệu nghệ như vậy thì thật đáng nể phục.

 

4/ Chuyển đoạn ăn khớp: Cũng xin nói đến một điểm nổi bật về kỹ thuật thơ của VHC là sự chuyển đoạn ăn khớp, khéo léo – từ ý này bước qua ý khác rất ngọt.

 

     a/ Đoạn 1 qua đoạn 2

 

Từ:

 

Lòng nghiêng tràn hết yêu thương

Bước chân còn nhịp Nghê Thường lẳng lơ.

 

qua:

 

Ánh đèn tha thướt

Lưng mềm não nuột dáng tơ

Hàng chân lả lướt

Đê mê hồn gửi cánh tay hờ.

 

Vừa nói “hết yêu nhưng còn mê nhảy” đã chuyển qua cảnh ôm em trên sàn nhảy. Sự kết nối thật tương hợp.

 

     b/ Đoạn 2 qua đoạn 3

 

Từ:

 

Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men

 

qua:

 

Say đi em! Say đi em!

 

Đều nói đến rượu, kết nối hợp lý.

 

     c/ Đoạn 3 qua đoạn 4

 

Từ:

 

Say không còn biết chi đời

 

qua:

 

Nhưng em ơi

Đất trời nghiêng ngửa

 

Vừa thú nhận “Say không còn biết chi đời” đã thấy “Đất trời nghiêng ngửa”. Mối liên hệ nhân quả, không một kẽ hở.

 

Nhờ sự chuyển đoạn khéo léo như vậy nên tứ thơ thông thoáng, bài thơ nhất khí liền mạch, cảm xúc lớn mạnh nhanh chóng.

 

Điệp Vận Ở Phần Sau Đoạn 3 – Nói Về Cơn Say

                                                                                 

Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời

 

Có 9 câu thơ ngắn mà đến 6 lần vần ôi (hoặc ơi) – điệp vận đến mức thoạt nhìn qua là đã mất cảm tình. Nhưng thật lạ! Đọc lên không những không thấy ngán mà còn thấy hồn mình như bị dính chặt vào ý thơ – cơn say thực sự, “say không còn biết chi đời” – của tác giả.

 

Với cơn say ở đỉnh điểm như vậy, không còn chỗ cho lý trí và con đẻ của nó là sự dối trá, bám víu. Năm câu sau của đoạn kết đúng là tiếng lòng chân thật.

 

Điệp vận kiểu ấy, theo tôi, nếu là người làm thơ tỉnh táo, chắc là sẽ tránh xa. VHC, trong lúc lạc lần trí, đã hiên ngang bước vào “bãi mìn” ấy. Nhưng nhờ thế, đã tạo được một đoạn thơ độc đáo, có giá trị như một con dấu chứng nhận sự chân thật cho đoạn kết, góp phần hết sức quan trọng vào sự thành công của thi phẩm Say Đi Em.

 

Đoạn Kết Tuyệt Vời

 

Sau khi đã uống đến “Say không còn biết chi đời” thi sĩ đã cho tuôn ra đoạn thơ:

 

Nhưng em ơi!
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!

 

Đoạn thơ hay cả về ngôn ngữ, thi ảnh, cấu trúc, âm điệu và nhịp điệu. Đặc biệt điệp ngữ ở hai cụm từ “em ơi” và “Đất trời nghiêng ngửa” cho độc giả như tôi cái cảm giác đang nghe CODA kết thúc một bản nhạc, được viết rất khéo bởi một nhạc sĩ tài ba.

 

Thành sầu của ông như đang chịu một trận động đất mạnh đến mức “đất trời nghiêng ngửa” mà vẫn “chưa sụp đổ và đã chuyển từ chỗ “chưa sụp đổ” – còn chờ đợi, còn một chút hy vọng mong manh – đến chỗ “không sụp đổ” – nghĩa là đã hoàn toàn tuyệt vọng.

 

Nỗi buồn sầu đã dâng lên đến đỉnh điểm. Chữ “không” ở câu cuối “đắt” như kim cương và ẩn dụ của cả đoạn thơ thật tuyệt vời.

 

Cảm Xúc Dâng Tràn – Hồn Thơ Lai Láng

 

Cảm xúc tầng 1:

 

 

Theo tôi, VHC thành công trong việc trao tặng độc giả những cảm giác khoái trá ở tầng 1. Ngôn ngữ thơ của ông chắt lọc, trau chuốt, hình tượng đẹp một cách lộng lẫy, kiêu sa, câu thơ mạch lạc, trong sáng. Nói theo ngôn ngữ bóng đá, kỹ thuật cá nhân của các cầu thủ trong Say Đi Em điêu luyện, thuộc đẳng cấp cao, nhìn qua là thấy có cảm tình và nể phục.

 

Cảm xúc tầng 2:  

 

Trong Say Đi Em thế trận chữ nghĩa được dàn trải hợp lý, tạo hiệu quả tối đa cho việc chuyển tải tứ thơ. Vần và nhịp điệu giúp dòng chảy của tứ thơ thông thoáng. Độc giả như được xem một trận bóng đá mà đội phe mình công thủ, lên xuống nhịp nhàng, đấu pháp toàn đội kín kẽ, hoàn hảo.

 

Cảm xúc tầng 3:

 

Là thứ cảm xúc cao cấp nhất trong thơ – nếu đến mức dâng tràn, ta có hồn thơ lai láng. Để có hồn thơ lai láng bài thơ cần mấy điều kiện sau đây:

 

1/ Tứ thơ không phân mảnh đứt đoạn mà phải được dàn trải sao cho ý này nối tiếp ý kia, không ngừng nghỉ.

 

2/ Thể thơ phải như con kênh thông thoáng để khi câu chữ từ tứ thơ tuôn xuống có thể thành dòng thơ. Trong Say Đi Em, chỉ mới bước vào đầu đoạn 2 là men rượu đã ngấm, cảm xúc quyện lấy tứ thơ và âm điệu để cùng chảy một dòng. Đến đoạn 3, với hiệu ứng đặc biệt của dòng âm điệu, dòng thơ chảy rất nhanh và rất mạnh.

 

3/ Thi sĩ phải nổi điên để cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí. Trường hợp Say Đi Em, bắt đầu đoạn 3 là lý trí đã trốn chạy khá xa, đến cuối đoạn thì lý trí đã biệt tăm, biệt tích, thi sĩ đã “Say không còn biết chi đời”. Hơn nữa, nội dung bài thơ lại thuộc loại “ngược dòng” nên “cơn điên” phải cực mạnh và “nhiệt độ sôi của cảm xúc” phải rất cao mới có thể phủ mờ lý trí để vuợt qua nỗi Sợ Xấu, Sợ Nhục với người đời cuả VHC.

 

4/ Phải kết hợp để khi cảm xúc lên đến đỉnh điểm (cao trào) thì cũng là lúc thi sĩ tuôn ra điểm cốt yếu của tứ thơ. Đó sẽ là tiếng lòng chân thật của ngài. Ở Say Đi Em là đoạn 3 và đoạn 4.

 

Kết Luận

 

Say Đi Em không những có đủ 4 điều kiện trên mà điều kiện nào cũng đạt đến mức hoàn hảo nên hồn thơ cực mạnh.

 

Hơn nữa, bài thơ lại kết thúc ở cao trào nên hồn thơ không những cực mạnh lại còn có sức ngân vang trong tâm hồn người đọc mặc dù bài thơ đã hết.

 

Tôi cho rằng cùng với thi phẩm Say Đi Em của mình, Vũ Hoàng Chương không những đã có thể bước vào Bến Bờ Thi Ca mà còn xứng đáng ngồi vào hàng ghế trang trọng nhất.

 

PHẠM ĐỨC NHÌ

nhidpham@gmail.com

https://lythuyetthoabc.blogspot.com/

 

Trở Về Trang Chính:

https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2023/11/vai-net-ve-trang-blog-ly-thuyet-tho.html

 

 


Popular posts from this blog

GÓP Ý VỚI CUỘC ĐỐI THOẠI “THẾ NÀO THÌ GỌI LÀ THƠ?”

VÀI NÉT VỀ TRANG BLOG LÝ THUYẾT THƠ

TỰ THÚ