BÀN VỀ CHỮ “XẠO” TRONG THƠ

 

            BÀN VỀ CHỮ “XẠO” TRONG THƠ

 

 

Thi Sĩ Có Xạo Không?

 

Trong một số bài luận bàn về thơ tôi thường viết:

 

“Người đời, có cả thi sĩ, thường gian dối”.

 

Vì thế trong thơ thường ẩn hiện – khi tỏ, khi mờ - một chữ Xạo.

 

Có trường hợp thi sĩ xạo, biết là mình xạo và độc giả cũng nhận ra là Ngài xạo (a). Có trường hợp thi sĩ xạo, biết là mình xạo nhưng che giấu khéo léo nên độc giả không nhận ra là Ngài xạo (b). Và cũng có trường hợp thi sĩ xạo nhưng không biết là mình xạo, còn độc giả cũng không thấy bằng chứng nào để có thể cho rằng Ngài xạo (c)

 

Vài Kiểu Xạo Điển Hình Trong Thơ

 

1/ Nổ: Xạo để có danh hão – “Ta là số 1”. “Nổ” khác “khoe”. “Khoe” là phô trương cái hay, cái đẹp mình có. “Nổ” là phịa ra hoặc “có ít xít ra nhiều”.

 

2/ Xạo để kiếm lợi.

 

3/ Xạo vì lập trường quan điểm, đứng ở một phía của một vấn đề hai mặt.

“Ôi đẹp quá phe mình!

Còn phe bên kia

phải chọn góc nhìn để chỉ thấy toàn điều xấu.” (1)

 

4/ Xạo vì sợ, vì teo chim – sinh ra biến chứng “nịnh”.

 

5/ Xạo vì xê dịch kịch bản (2)

 

6/ Xạo vì đánh mất chính mình: Kiểu xạo này phức tạp (trường hợp c) , cần phải diễn giải dài dòng. Mời độc giả đọc ở phần dưới đây.

 

 

Lan Man Về Cái Tôi

 

Để có thể hội nhập và thích ứng với cuộc sống hàng ngày của cộng đồng mỗi con người đương đại phải (ép mình) tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều.

 

Sau khi vào đời một thời gian, trong mỗi thân xác con người có 2 cái tôi cùng chung sống nhưng luôn đấu đá lẫn nhau để đòi quyền làm chủ thân xác đó: “Cái tôi đích thực” và cái tôi hội nhập với cuộc đời – tôi tạm gọi là “cái tôi văn hóa”. “Cái tôi văn hóa” là “cái tôi” chứa bóng dáng chữ Xạo.

 

Tuổi đời càng cao “cái tôi văn hóa” càng mạnh, càng rõ nét và “cái tôi đích thực” càng yếu kém, mờ nhạt. Đến một lúc nào đó (sớm muộn tùy hoàn cảnh mỗi người) “cái tôi văn hóa” sẽ “đè bẹp” “cái tôi đích thực” để độc quyền chiếm hữu cái thân xác kia.

 

Lúc ấy, nói như Jean Paul Sartre (3) thì con người là một “kẻ vong thân” (đánh mất chính mình, tức là đánh mất “cái tôi đích thực”). Còn nói như Albert Camus (3) thì “con người đích thực” đã bất lực, để một “kẻ xa lạ” (“cái tôi văn hóa”) đến chiếm hữu thân xác mình.

 

Lý Trí: Nguyên Nhân Của Chữ “Xạo” Trong Thơ

 

Thi sĩ làm thơ trong lúc tỉnh táo quá thì những gì viết ra sẽ được lý trí cân nhắc, suy hơn, tính thiệt kỹ càng. Đó sẽ là những vần thơ phải đạo được “đạo diễn” bởi “cỗ máy biết suy nghĩ” của “cái tôi văn hóa”. Lời thơ sẽ ẩn hiện một chữ Xạo đậm nét. Nếu thi sĩ có kỹ thuật nhuần nhuyễn, thế trận chữ nghĩa chặt chẽ, hiệu quả - thì thơ vẫn có cảm xúc, vẫn có thể “hay” (về “nét đẹp văn chương”) nhưng thiếu vắng sự chân thật của “cái tôi đích thực”.

 

 

 Hai Phương Cách Loại Bỏ Lý Trí Trong Thơ Của SIÊU THỰC Và TƯỢNG TRƯNG

 

SIÊU THỰC Đưa “Mộng” Vào Thơ.

 

Mộng (Mơ), đối với Freud, là thực hiện những khát vọng bản năng bị dồn nén. Khi ngủ, cơ quan kiểm duyệt (của lý trí) không làm việc, do đó, chỉ trong mơ người ta mới thể hiện được những ham muốn bị dồn ép, cấm kỵ lúc tỉnh.

(Từ Lãng Mạn Đến Siêu Thực, Thụy Khuê)

http://thuykhue.free.fr/stt/s/breton.html

 

 

Những điểm không thuận lợi khi đưa Mơ vào Thơ:

 

1/ Hình ảnh, cảnh tượng, câu chuyện trong Mơ thường “đầu Ngô mình Sở”.

 

 2/ Lúc tỉnh dậy cố ghi lại giấc mơ thì chỗ nhớ, chỗ quên, tính "đầu Ngô mình Sở" càng rõ nét hơn.

 

 4/ Tập hợp những hình ảnh, cảnh tượng xảy ra trong mơ đưa vào bài thơ (lúc đã tỉnh) không ít thì nhiều, lý trí cũng sẽ xen vào.

 

 3/ Tính "đầu Ngô mình Sở" của nội dung khiến độc giả “khó bắt” tứ thơ, chức năng truyền thông của bài thơ không thành công.

 

 

Như vậy, “Nàng Siêu Thực” đúng ở chỗ tránh được “Chàng Lý Trí” trong mơ nhưng khi “đưa mơ vào thơ” thì lại gặp “Người Tình Cũ”.

 

TƯỢNG TRƯNG Đặt Cạnh Nhau Những Nhóm Chữ Và Hình Tượng Không Liên Quan

 

 Mục đích là loại bỏ tính lô-gic, buộc lý trí phải “đi chỗ khác chơi”.

 

Trong 3 đoạn của bài thơ được trích làm thí dụ dưới đây tôi chỉ tô màu “hoa hòe hoa sói” một đoạn (đoạn 2) để làm rõ mục đích của “thủ pháp” này.

 

 Thí dụ:

 

Buồn Xưa


Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
Rượu hát bầu vàng cung ướp hương
Ngón hường say tóc nhạc trầm mi


Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa


Buồn hưởng vườn người vai suối tươi
Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời
Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu
Duyên vàng da lộng trái du ngươi

(Nguyễn Xuân Sanh)

 

Những nhóm chữ không liên quan đặt cạnh nhau khiến đoạn thơ tối mù, khó hiểu. Thiếu tính lô-gic, lý trí không “hoạt động” được phải bỏ đi. Độc giả không thể “bắt” được tứ thơ. Chức năng truyền thông của bài thơ thất bại.

 

Chúng ta hãy nghe nhà phê bình nổi tiếng Đỗ Lai Thuý phát biểu sau vài lần đọc bài thơ:

 

“Bài thơ đọc một lần, hai lần... Ấn tượng khó hiểu, nhưng quyến rũ. Và hình như càng khó hiểu càng quyến rũ: cái hay và sự khó hiểu xoắn luyện vào nhau không thể tách bóc được? Và nhà phê bình, với số phận vô duyên của mình, cứ làm cái công việc không thể làm ấy”.

(Nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)

 

Với tôi, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy cứ làm cái công việc không thể làm ấy đúng là có số phận vô duyên thật. Bởi dù có đọc hàng vạn lần, nét quyến rũ có phủ kín tâm hồn, ông cũng như một người mù, chẳng thể hiểu được bài thơ ấy. Không hiểu gì mà vẫn cứ thấy quyến rũ thì ông quả là một học giả có biệt tài.

 

 

 Như vậy, với các loại hình nghệ thuật khác tôi không dám có ý kiến, nhưng với thơ, Chủ Nghĩa Siêu Thực (và Tượng Trưng) có luận điểm hữu lý - và trong một chừng mực nào đó - hữu ích, nhưng phương cách thực hiện thì không thành công.

 

Có Cách Nào Loại Bỏ Lý Trí Trong Thơ Không?

 

Theo tôi, có.

 

Nếu thi sĩ chọn được thể thơ thích hợp, tứ thơ sẽ chảy thành dòng, cảm xúc ở tầng 3 (4) sẽ lớn mạnh.

 

Rồi lại gặp lúc thi sĩ thật cao hứng, lên cơn điên vì yêu, hận (giận), vui sướng, buồn bã, ghen ghét, ham muốn … cảm xúc sẽ sôi lên phủ mờ lý trí, “cái tôi đích thực” sẽ vùng dậy đẩy “cái tôi văn hóa” vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ.

 

Thi phẩm viết ra trong tâm cảnh ấy sẽ chẳng màng đến chính kiến, lập trường, truyền thống, đạo đức, lễ giáo, thước đo giá trị của người đời … mà chỉ là những gì tuôn trào ra ngòi bút bởi “cơn điên” của thi sĩ đang thôi thúc trong lòng. Lúc ấy kỹ thuật thơ vẫn mang dáng dấp đẳng cấp của thi sĩ nhưng lời thơ – không còn bị chi phối bởi “cái tôi văn hóa” - sẽ là tâm tình chân thật của “cái tôi đích thực”.

 

Đây chỉ là vài nét đại cương tôi đã mày mò, chiêm nghiệm nhiều năm phác họa ra.

 

Sẵn sàng đón nhận những ý khiến trái chiều (nếu có) của độc giả.

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

https://lythuyetthoabc.blogspot.com/

 

 

CHÚ THÍCH:

 

1/

 

(Yêu Thơ Nên Phải Hết Lòng Với Thơ, Phạm Đức Nhì)

https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/06/yeu-tho-nen-phai-het-long-voi-tho.html 

 

2/

 

(Một Kịch Bản Thơ Xạo, Phạm Đức Nhì)

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2017/06/mot-kich-ban-tho-xao.html

 

3/

 

Đều là đại diện của Chủ Nghĩa Hiện Sinh

Tác phẩm tiêu biểu:

Jean Paul Sartre:  La Nausée (Buồn Nôn)

Albert Camus: L’Étranger (Kẻ Xa Lạ)

 

4/

 

(Ba Tng Cảm Xúc Trong Thơ, Phạm Đc Nhì)

https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2021/11/ba-tang-cam-xuc-trong-tho.html


Trở Về Trang Chính: 

https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2023/11/vai-net-ve-trang-blog-ly-thuyet-tho.html

 

 



Popular posts from this blog

GÓP Ý VỚI CUỘC ĐỐI THOẠI “THẾ NÀO THÌ GỌI LÀ THƠ?”

VÀI NÉT VỀ TRANG BLOG LÝ THUYẾT THƠ

TỰ THÚ